HIỂU VỀ VIDEO COLOR MODE
(Emobros) Nếu bạn tự tìm hiểu về màu sắc, chắc chắn bạn sẽ bị lạc trôi vào một ma trận kiến thức. Có hàng triệu kiến thức về màu đã được đăng tải và chia sẻ trên internet. Bất kể là bạn dùng từ khóa là tiếng Anh hay tiếng Việt.
Hiểu được về màu, hiểu ý nghĩa của màu khi nó xuất hiện đơn lẻ, hiểu được ý nghĩa khi kết hợp các màu để tạo ra sự hài hòa là quá trình quan trọng và là nền tảng khi bạn bắt đầu bước chân vào con đường này. Đó là quá trình kết hợp của kỹ thuật và nghệ thuật cho dù bạn sử dụng chúng trong nghệ thuật, nhiếp ảnh, sản xuất phim hay thiết kế nội thất. Ở bài viết này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về khái niệm đầu tiên: Video Color Mode (Màu sắc của video).
MÀU CHROMATIC VÀ ACHROMATIC LÀ GÌ?
Màu sắc (chromatic colors) và màu không có màu sắc (achromatic colors) là những nhóm màu có thể tạo ra một cái nhìn hoặc cảm nhận cụ thể cho dù bạn sử dụng chúng trong nghệ thuật, nhiếp ảnh hay thiết kế nội thất. Độ bão hòa là một yếu tố quyết định trong việc phân biệt cái này với cái khác. Cường độ và độ sống động của màu sắc được tạo ra bởi độ bão hòa. Sự vắng mặt hoặc hiện diện của độ bão hòa xác định xem một màu là màu sắc hay màu không có màu sắc.
Màu sắc là những màu chỉ có một bước sóng cụ thể chiếm ưu thế. Đây sẽ là những màu như xanh dương và xanh lá cây. Chúng được gọi là màu tinh khiết. Các màu không có màu sắc không có sắc độ chủ đạo. Chúng là những màu chứa tất cả các bước sóng với số lượng bằng nhau như trắng, đen và xám (ví dụ màu đen 0, 0, 0 và trắng 255, 255, 255).
Việc phân biệt rạch ròi hai khái niệm này tuy rất đơn giản, nhưng lại là yếu tố cốt lõi đầu tiên để hiểu về màu.
Primary Color
Color wheel là tập hợp tất thảy những thứ được gọi là màu, nếu dùng công cụ lấy mã nó có thể lên đến hàng triệu mã màu. Nhưng cả triệu màu này thực ra lại có thể tạo ra được bằng cách kết hợp một vài màu (ở dạng tinh khiết) lại với nhau. Những màu này được gọi là primary colors. Primary colors thường được dịch là màu cơ bản, màu gốc hay màu nền tảng.
Những màu được tạo ra khi kết hợp các primary colors được gọi là secondary colors. Kết hợp các Secondary Colors tiếp sẽ tạo ra Tertiary Colors. Sự kết hợp để phân chia các cấp độ màu ngoài ý nghĩa giúp chúng ta hiểu được bản chất của màu sắc, còn có ý nghĩa về việc sử dụng chúng để tạo ra sự cân bằng (balance) và hài hòa (harmony) về màu sắc trong một cảnh phim cụ thể. Những vấn đề này sẽ lần lượt được chia sẻ trên Emobros trong các bài viết tiếp theo.
Có ba mô hình primary colors mà người trong lĩnh vực làm phim phải nắm được là:
Primary colors của màu vẽ (Primary Colors of Paint) – RYB Model
Primary colors của sơn gồm đỏ-vàng-lam (Red-Yellow-Blue). Người ta cũng gọi nó là mô hình màu RYB (RYB color mode) hay mô hình màu truyền thống (traditional color mode) chủ yếu được sử dụng trong ngành sơn. Hầu hết các họa sĩ, nghệ sĩ màu đều sử dụng RYB color mode làm nền tảng cho việc phối màu, kết hợp màu để tạo ra sự hài hòa của màu sắc (color harmony) trong các tác phẩm của mình.
Primary colors của mực in (Primary Colors of Pigment) – CMYK Model
Primary colors của mực in (hay thuốc màu) gồm luc lam-đỏ tươi-vàng-đen (Cyan-Magenta-Yellow-Black/Key) chủ yếu được sử dụng trong ngành in.
Primary colors của ánh sáng (Primary Colors of Light) – RGB Model
Primary colors của ánh sáng gồm Đỏ – Xanh lá – Xanh lam (Red-Green-Blue). Người ta cũng gọi nó là mô hình màu RGB (RGB color mode) hay mô hình màu hiện đại (modern color mode) hay hệ thống màu cộng (additive color system). Bằng cách sử dụng ba ánh sáng: ánh sáng đỏ (red light), ánh sáng lục (green light) và ánh sáng lam (blue light), chúng ta có thể tạo tất cả các ánh sáng màu khác.
Tất cả các thiết bị máy quay video, máy ảnh, điện thoại, màn hình máy tính, màn hình (monitor), tivi, … hiện nay đều lấy RGB color mode làm nền tảng kỹ thuật cho việc hiển thị hình ảnh có màu sắc.
Tạm kết về video color mode
Tóm lại, RGB color mode là hệ thống/mô hình màu được sử dụng trong sản xuất video màu. Các hình ảnh video được tạo từ hệ thống màu này đều chứa 3 kênh màu: đỏ, lục, lam. Khi trộn 3 kênh lại với nhau sẽ tạo thành một hình ảnh có đầy đủ màu sắc.
Tuy nhiên, màu sắc không phải là vô tận. Hệ thống thị giác của con người chỉ có thể nhìn thấy một giới hạn màu nhất định. Hệ thống nhận/đọc màu trên các thiết bị ghi/hiển thị hình ảnh lại bị giới hạn trong vùng nhỏ hơn so với mắt người. Những kiến thức về không gian màu (Color space/Color gamut) sẽ được chia sẻ trong phần tiếp theo.